Cơ chế, chính sách – Giải pháp đột phá cho sự phát triển của các khu kinh tế ven biển Việt Nam
30/08/2011

 

Ngày 27/8, tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đồng chí Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo 18 tỉnh, thành phố có KKT cùng các nhà quản lý, khoa học, đầu tư... Ảnh: toàn cảnh Hội thảo.

 

 

Ngày 27/8, tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đồng chí Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo 18 tỉnh, thành phố có KKT cùng các nhà quản lý, khoa học, đầu tư... Ảnh: toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đánh giá từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực trạng phát triển và định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế ven biển Việt Nam.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 15 KKT, gồm: 2 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); 10 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung là Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên) và Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và 03 KKT ở miền Nam là KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang), Định An (Trà Vinh), Năm Căn (Cà Mau). Tổng diện tích đất liền và mặt nước biển của 15 KKT là 662.249 ha.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung thêm 03 KKT vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến 2020, đó là: KKT Đông Nam, tỉnh Quảng Trị, KKT ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình, và KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định, nâng tổng số KKT trong Quy hoạch phát triển KKT của cả nước đến năm 2020 lên 18 KKT với tổng diện tích đất liền và mặt nước biển là 730.553 ha (tương đương 7305,53 km2), bằng khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước.

Các KKT cả nước hiện thu hút được khoảng 130 dự án FDI với tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ USD và khoảng 650 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 537 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án lớn, quan trọng tại KKT Nghi Sơn, KKT Vũng Áng, KKT Dung Quất như Nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy cơ khí Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Vũng Áng, Nhà máy xi măng Nghi Sơn,….

Theo ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua gần 20 năm phát triển KKT theo chủ trương của Chính phủ, các KKT có vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đã có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên hầu hết các KKT đều phát triển không được như kỳ vọng ban đầu.

Việc quán triệt mục tiêu, chức năng ban đầu của KKT có ý nghĩa rất quan trọng, GS.TS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nhận định: "Xây dựng các khu kinh tế ven biển ở miền Bắc: trước hết xây dựng khu kinh tế Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh trở thành cửa mở hướng ra biển, phát triển theo hướng hội nhập kinh tế với khu vực Đông Bắc Á, trong hợp tác của hai hành lang, một vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; Xây dựng các khu kinh tế ven biển ở miền Trung: trước hết xây dựng khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh và khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây và Bắc – Nam; Xây dựng các khu kinh tế ven biển ở miền Nam: trước hết xây dựng khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trở thành cửa mở hướng ra biển, hội nhập kinh tế khu vực ASEAN".

 

Một số vấn đề khác cũng được các đại biểu đề cập là xuất hiện sự chồng chéo trong việc quản lý KKT giữa địa phương và Ban quản lý KKT, đặc biệt là lĩnh vực thanh tra, kiểm tra môi trường, lao động và đất đai….

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cần phải xác định lại mục tiêu, mục đích của các KKT từ đó chọn ra những KKT có đặc thù riêng, khác nhau để đầu tư, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng biệt ở mỗi tỉnh, từ đó thu hút đầu tư cũng đạt hiệu quả tốt hơn.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư. Bộ trưởng nhấn mạnh: Phát triển các KKT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là việc làm cần thiết trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để các KKT phát triển đúng hướng, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp cùng với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành ra roát lại toàn bộ các KKT hiện có. Trên cơ sở đó chọn ra một số khu có điều kiện thuận lợi để có kế hoạch tập trung đầu tư nhằm tạo ra bước đột phá cho đất nước và sẽ giảm quy mô một số KKT không có lợi thế phát triển. Vì vậy, việc xây dựng các KKT phải xác định mục tiêu, mục đích, tiêu chí phát triển; phải dựa vào tiềm năng lợi thế đặc thù riêng của từng vùng và phải trên sự phát triển chung của quốc gia, khu vực. Việc phát triển các KKT không chỉ dựa vào các cơ chế, thể chế ưu đãi vượt trội của Nhà nước mà cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ từ đội ngũ cán bộ, công chức của Ban quản lý các KKT trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, triển khai dự án, v.v... và muốn làm được những điều đó, phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị./.

 Trương Chương
(Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư)