Hướng đến mục tiêu phát triển mới
24/08/2011

 

Mấy năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành công nghiệp chủ lực (CNCL) trên địa bàn tỉnh tuy có sự tăng trưởng cao, nhưng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiếu ổn định… Ảnh: Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH gỗ Minh Phú

 

Mấy năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành công nghiệp chủ lực (CNCL) trên địa bàn tỉnh tuy có sự tăng trưởng cao, nhưng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiếu ổn định… Ảnh: Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH gỗ Minh Phú

Hiệu quả chưa cao

Nhờ lợi thế về nguồn nguyên liệu, lao động…, những năm qua, nhiều nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, khoáng sản…, đưa các ngành này vươn lên trở thành ngành CNCL của tỉnh. Trong giai đoạn 2005-2010, các ngành CNCL này đã đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp tỉnh nhà.  

Trong các ngành CNCL, giữ vai trò đầu tàu là ngành chế biến gỗ. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 160 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, với tổng công suất chế biến khoảng 345 ngàn m3/năm, sản lượng đạt trên 8 triệu sản phẩm/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Trong giai đoạn 2006-2010, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của ngành chế biến gỗ đạt gần 1.100 triệu USD (chiếm tỉ trọng gần 61% trong tổng KNXK toàn tỉnh), tốc độ tăng trưởng bình quân gần 16%/năm, gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2001-2005.

Tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến đá. Toàn tỉnh có khoảng 90 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đá các loại, với công suất tăng gấp 3 lần so với năm 2000. Trong đó, công suất khai thác đá khối đạt trên 76.000 m3/năm, công suất chế biến đá ốp lát trên 2,5 triệu m2/năm.

Ngành công nghiệp chế biến thủy sản (CBTS) cũng đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể, năm 2010, các DN CBTS trên địa bàn tỉnh đã chế biến và xuất khẩu được 8.787 tấn thủy sản các loại, KNXK thực hiện đạt 42 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với năm 2005; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 18%/năm...

Tuy có sự phát triển như vậy, nhưng các ngành CNCL của tỉnh chỉ mới dựa vào những lợi thế sẵn có để phát triển về bề rộng, chưa có được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, tuy giá trị sản xuất lớn, KNXK tăng khá nhưng hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp và thiếu tính ổn định. Hiện phần lớn sản phẩm của các ngành CNCL còn ở dạng chế biến thô, giá trị gia tăng còn thấp và sức cạnh tranh yếu. Việc xây dựng thương hiệu hàng hóa còn nhiều hạn chế, một số mặt hàng xuất khẩu vẫn còn mang thương hiệu của các nhà phân phối nước ngoài. Bên cạnh đó, do phát triển về bề rộng, nên hiện nay các ngành CNCL của tỉnh đã gặp phải khó khăn về nguyên liệu và lao động…

 Chiến lược phát triển mới

Mục tiêu của tỉnh đặt ra trong giai đoạn 2011-2015 là: giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn tỉnh phải đạt mức tăng trưởng bình quân 20,7%/năm; phấn đấu đến năm 2020 tỉnh ta cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp và là một trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Để thực hiện đạt mục tiêu này, vai trò của các ngành CNCL là rất quan trọng.

Kế hoạch phát triển cụ thể cho từng ngành được Sở Công Thương tỉnh đề ra là: Với ngành chế biến gỗ, phấn đấu đến năm 2015 đưa tổng công suất thiết kế các nhà máy lên 300 ngàn m3/năm, trong đó sản phẩm gỗ nội thất chiếm từ 40% trở lên. Đối với ngành chế biến đá, phát triển công suất khai thác đến năm 2015 đạt 20.000 m3/năm, đến năm 2020 đạt 25.000 m3/năm và nâng công suất chế biến đá ốp lát lên 380 ngàn - 450 ngàn m2/năm. Đối với ngành CBTS, giai đoạn 2011-2020 sẽ đầu tư xây dựng mới một số nhà máy CBTS ở huyện Phù Cát và Hoài Nhơn, với tổng công suất 5.000-6.000 tấn/năm và 1 nhà máy ở Quy Nhơn với công suất khoảng 4.000 tấn/năm…

Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, cho biết: “Bên cạnh phát triển bề rộng, để các ngành CNCL của tỉnh đóng vai trò quyết định, làm đầu tàu thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, ngành Công Thương đang hướng hoạt động của các ngành này đi vào chiều sâu. Vấn đề cấp bách hiện nay là phải phát triển những mặt hàng tinh chế, chất lượng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu mà còn tiết kiệm nguồn nguyên liệu”.

Ngoài ra, một số giải pháp khác cũng đang được chú trọng. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của ngành CNCL. Đối với các thương hiệu đã có uy tín, sẽ có chiến lược phát triển lâu dài trên cơ sở mở rộng sản xuất để giữ vững và phát triển thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng, như mã vạch, tem sản phẩm… để chống hàng giả, hàng nhái. Giải pháp về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc làm này đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, nên sẽ lựa chọn để đổi mới từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất và việc đổi mới phải đi vào những khâu quan trọng nhất.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, tỉnh cũng cần khuyến khích các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, có công nghệ sản xuất tiên tiến tham gia đầu tư vào sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, nhằm tranh thủ nguồn vốn và trình độ khoa học công nghệ của họ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành nghề tiến hành rà soát lại các mục tiêu đầu tư và điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Năm 2010, giá trị SXCN của tỉnh đạt 6.545 tỉ đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm (2005-2010) đạt 16%/năm. Trong đó, các ngành CNCL đạt khoảng 5.900 tỉ đồng, chiếm 90% tổng giá trị SXCN toàn tỉnh. 7 tháng đầu năm 2011, giá trị SXCN toàn tỉnh thực hiện đạt 4.199 tỉ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các ngành CNCL tăng trưởng trên 14,6%.

Trương Chương ( Nguồn: Báo Bình Định)