Ưu đãi nhiều hơn cho công nghiệp phụ trợ
18/08/2011

 

Kể từ ngày 18/8/2011, các dự án đầu tư vào công nghiệp phụ trợ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Theo Thông tư 96/2011/TT-BTC (thực hiện chính sách tài chính quy định tại Quyết định 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ), kể từ ngày 18/8/2011, các dự án đầu tư vào công nghiệp phụ trợ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước như ưu đãi về thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất...

 

Kể từ ngày 18/8/2011, các dự án đầu tư vào công nghiệp phụ trợ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi.

Theo Thông tư 96/2011/TT-BTC (thực hiện chính sách tài chính quy định tại Quyết định 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ), kể từ ngày 18/8/2011, các dự án đầu tư vào công nghiệp phụ trợ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước như ưu đãi về thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất...

Đây được xem là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.

Trái ngược với những đánh giá kém lạc quan của một số chuyên gia kinh tế về ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, ông Dương Tú Anh (Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương) cho rằng, với những cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã tiến được bước khá dài trong thời gian vừa qua; nhiều DN sản xuất - lắp ráp xe máy và đồ điện tử không chỉ nâng công suất, đầu tư mở rộng dự án, mà còn thành lập thêm nhà máy khác để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Ngành công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực sản xuất - lắp ráp xe máy, điện tử... đã vượt yêu cầu đặt ra; tỷ lệ nội địa hoá đã vượt xa mong đợi khi xây dựng chính sách phát triển những ngành công nghiệp này do nhu cầu tiêu thụ xe máy, đồ điện tử tại thị trường trong nước lớn”, ông Tú Anh nói.

Do thị trường nhỏ, chính sách thuế đối với ô tô thường xuyên thay đổi và giá bán xe ô tô tại Việt Nam quá cao so với nhiều nước trên thế giới, nên ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ của ngành ô tô được nhiều người nhận định là thất bại. Tuy nhiên, theo ông Tú Anh, nếu nhìn nhận, đánh giá khách quan thì với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ nhiều nhà đầu tư ở lĩnh vực này đã gặt hái được ít nhiều thành công.

Đơn cử, Công ty Toyota Việt Nam đầu tư xây dựng Trung tâm Xuất khẩu linh kiện Toyota với số vốn đầu tư 5,7 triệu USD với nhiệm vụ xuất khẩu khoảng 80% phụ tùng ô tô sản xuất tại Việt Nam cho các nhà máy lắp ráp xe Toyota trên toàn thế giới. Toyota đặt mục tiêu cho Trung tâm này xuất khẩu khoảng 1 triệu chi tiết, linh kiện, phụ tùng/năm với tổng kim ngạch 20 triệu USD, nhưng sau 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã đạt kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD.

Hiện Toyota đã “lôi kéo” được 9 nhà cung cấp phụ tùng của Công ty mẹ đến Việt Nam đầu tư. “Minh chứng thành công của Toyota Việt Nam cho thấy, nếu DN tận dụng được các chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp phụ trợ, thì hoàn toàn có thể đầu tư lâu dài tại Việt Nam”, ông Tú Anh nói.

Chuyên gia tư vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, ông Tsujio Yoshifumi cho rằng,  để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ thì cần nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách về ngoại hối.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp phải nhập khẩu chi tiết, linh kiện, phụ tùng bằng ngoại tệ nhưng lại bán thành phẩm trên thị trường nội địa bằng VND, song theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam không thể cho phép thanh toán hàng hoá, dịch vụ trên thị trường nội địa bằng ngoại tệ. “Để giải quyết khó khăn cho DN và giữ ổn định nền kinh tế, Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang thực hiện nhiều chính sách để giữ ổn định tỷ giá VND/USD; đảm bảo bán đủ ngoại tệ cho DN đủ điều kiện và có nhu cầu chính đáng”, ông Tuấn cho biết.
  
 
TC (nguồn: baodautu.vn)