7 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung liên kết phát triển kinh tế Vùng
15/08/2011

 

Trên cơ sở đánh giá tổng quan về hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của 7 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (sau đây gọi là Vùng), nhận diện vai trò của Vùng đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình CNH – HĐH, cũng như phân tích các thế mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức của Vùng trong thời gian tới, qua buổi hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh Duyên hải miền Trung” tổ chức ngày 15/7/2011 tại thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố đồng thuận liên kết phát triển với nhau thông qua việc ký kết Biên bản cam kết hợp tác. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu nội dung chính của việc hợp tác này.

 

Trên cơ sở đánh giá tổng quan về hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của 7 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (sau đây gọi là Vùng), nhận diện vai trò của Vùng đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình CNH – HĐH, cũng như phân tích các thế mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức của Vùng trong thời gian tới, qua buổi hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh Duyên hải miền Trung” tổ chức ngày 15/7/2011 tại thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố đồng thuận liên kết phát triển với nhau thông qua việc ký kết Biên bản cam kết hợp tác. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu nội dung chính của việc hợp tác này.

1. Quan điểm liên kết:

Liên kết bình đẳng, các bên cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn Vùng để cùng phát triển;

Liên kết trên tinh thần tự nguyện của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, có bước đi thích hợp, theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể trên cơ sở ưu tiên lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn Vùng;

Nội dung liên kết được xây dựng thành các dự án, chương trình cụ thể và có mục tiêu rõ ràng, thời gian triển khai, kinh phí, đơn vị và đối tác thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc (hàng sau, thứ 2 từ trái sang) tại buổi Hội thảo ngày 15/7/2011 - ảnh lấy từ Báo Đà Nẵng
 
2. Mục tiêu liên kết:

Khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn Vùng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển: hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải, phát triển đội tàu đánh bắt xa bở, chế biến và xuất khẩu thủy sản góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp nhân dân.

Trong những năm trước mắt, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch; phân công chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư… nhằm tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn Vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế.

3. Các nội dung thực hiện liên kết:

Trên cơ sở đặc thù của Vùng, thực tiễn phát triển và yêu cầu cấp bách liên kết, lựa chọn một hoặc các nội dung dưới đây để thực hiện liên kết:

- Cùng nghiên cứu để phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương;

- Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ;

- Thiết lập không gian kinh tế du lịch Vùng thống nhất;

- Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực;

- Hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển chung của Vùng;

- Phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và trong phát triển quảng bá văn hóa toàn Vùng;

- Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng;

- Xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn;

- Hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Để thực hiện những nội dung cam kết trên mỗi tỉnh có một đồng chí Thường trực tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo phối hợp xây dựng chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, thống nhất thành lập Tổ Điều phối Vùng và Nhóm Tư vấn liên kết phát triển Vùng để chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp và các vấn đề khác.

- Nhóm Tư vấn liên kết phát triển Vùng được đặt tại Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Đây là bộ phận thường trực theo dõi, tổng hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng; nghiên cứu đề xuất các giải pháp, luận cứ khoa học cho việc phát triển Vùng bền vững; phối hợp tham gia nghiên cứu, tư vấn cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng; giúp Tổ điều phối và lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện Biên bản cam kết và là đơn vị đầu mối tham mưu tổ chức các hội thảo, giao ban Vùng. Đồng thời, mỗi địa phương có một bộ phận chuyên trách “công tác liên kiết” đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Thành lập “Quỹ Nghiên cứu phát triển Vùng” để phục vụ kinh phí hoạt động của Tổ Điều phối Vùng, công tác nghiên cứu của Nhóm Tư vấn và hoạt động chung của Vùng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đóng vai trò là đối tác tài chính chủ yếu để phối hợp với các định chế tài chính – tín dụng khác giúp hình thành quỹ đầu tư phát triển Vùng, đồng thời giúp kêu gọi vốn và tài trợ tín dụng cho các dự án trọng điểm của Vùng.

Định kỳ mỗi năm từ một đến hai lần lãnh đạo cấp cao 7 tỉnh, thành phố luân phiên tổ chức các cuộc họp hoặc Hội thảo để đánh giá kết quả triển khai thực hiện; cũng như tổng hợp các ý kiến đa dạng, nhiều chiều từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, là cơ sở tham khảo quan trọng để các tỉnh, thành phố trong Vùng hoạch định chính sách phát triển.

- Từ nay khi các địa phương triển khai các dự án lớn, có ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn Vùng phải thông báo để các địa phương khác được biết, cùng hỗ trợ; trường hợp có khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thì có sự thống nhất kiến nghị với TW, tạo điều kiện cho việc triển khai dự án được thuận lợi nhất.

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và đồng thuận của lãnh đạo 7 tỉnh, thàn phố trong Vùng sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước về một số cơ chế tổ chức, chính sách, phân bổ nguồn lực cho sự phát triển chung của Vùng….

 

Hạnh Nguyên