Tổ chức đánh giá tình hình đầu tư xây dựng Khu Kinh tế Nhơn Hội
20/06/2011

 

Ngày 17/6/2011, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo về các giải pháp phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội (KKT Nhơn Hội), với sự tham gia của các đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư nhằm phân tích về những lợi thế, những điểm còn hạn chế của KKT Nhơn Hội, đề ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển KKT Nhơn Hội trong thời gian đến. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin trích đăng nội dung báo cáo được đưa ra để các đại biểu phân tích, đánh giá tại Hội thảo này. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc phát biểu tại Hội thảo

 

Ngày 17/6/2011, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo về các giải pháp phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội (KKT Nhơn Hội), với sự tham gia của các đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư nhằm phân tích về những lợi thế, những điểm còn hạn chế của KKT Nhơn Hội, đề ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển KKT Nhơn Hội trong thời gian đến. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin trích đăng nội dung báo cáo được đưa ra để các đại biểu phân tích, đánh giá tại Hội thảo này. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc phát biểu tại Hội thảo

Ngày 14/6/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 141/2005/QĐ-TTg thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu kinh tế Nhơn Hội và Quyết định số 142/2005/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế đến năm 2020. Theo đó, Khu kinh tế Nhơn Hội có tổng diện tích tự nhiên khoảng 12.000 ha nằm trên bán đảo Phương Mai, phía Đông Bắc thành phố Quy Nhơn, được thành lập với mục tiêu đầu tư phát triển để từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và là cầu nối với thị trường Lào, Campuchia và Thái Lan; là khu du lịch quốc gia với vai trò là một trong những trung tâm du lịch của vùng Duyên hải miền Trung.

* KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong khu kinh tế

Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay Khu kinh tế Nhơn Hội đã hoàn thành công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006-2010 của khu kinh tế và điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất chi tiết cho phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế. Trên cơ sở đó, tỉnh đã giao đất cho Ban Quản lý Khu kinh tế là 11.107 ha /12.000 ha quy hoạch để quản lý thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật và thực hiện việc giao lại đất, cho thuê đất cho các nhà đầu tư theo quy định.    

Hoàn thành Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế theo hướng tịnh tiến khu đô thị mới Nhơn Hội về phía Bắc và lấn ra phía Đông để mở rộng Khu công nghiệp Nhơn Hội (khu C). Đồ án đã được các bộ, ngành Trung ương thẩm định và Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó trong diện tích quy hoạch là 12.000 ha gồm: Khu phi thuế quan 530 ha; diện tích còn lại là Khu thuế quan có Khu công nghiệp Nhơn Hội (A, B, C) 1.324 ha, Khu công nghiệp sạch phía Nam 75 ha, Khu phong điện 283 ha; các khu đô thị có diện tích là 1.120 ha, trong đó Khu đô thị mới Nhơn Hội có quy mô 680 ha và Khu đô thị Cát Tiến 230 ha; các khu du lịch có diện tích 2.570 ha; còn lại là khu vực cây xanh sinh thái và cách ly, đất giao thông và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đất núi và mặt nước.  

Hoàn thành lập quy hoạch chi tiết 1/2000 và phần lớn đã triển khai bước lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu chức năng trong Khu kinh tế gồm Khu công nghiệp (khu A, B, C), Khu phi thuế quan, cảng tổng hợp và kho ngoại quan, khu phong điện, các khu du lịch Vĩnh Hội, Trung Lương, Nhơn Lý - Cát Tiến, Hải Giang, Khu du lịch lịch sử sinh thái tâm linh khu vực chùa Linh Phong, Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch Bắc đầu cầu Nhơn Hội, Khu tái định cư Nhơn Phước và khu neo đậu tàu thuyền phục vụ khu tái định cư, khu tái định cư Cát Tiến, Khu nghĩa địa cải táng Cát Nhơn - Cát Hưng, Khu xử lý chất thải rắn Cát Nhơn, khu dân cư dịch vụ du lịch Nhơn Lý, khu đô thị Cát Tiến (có phụ lục chi tiết kèm theo).

Đã tổ chức cuộc thi quốc tế về ý tưởng quy hoạch – kiến trúc Khu đô thị mới Nhơn Hội, đang tiếp tục làm việc với đơn vị đạt giải là Công ty cổ phần Nikken Sekkei Civil (Nhật Bản) triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/2000.

2. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư

Công tác xây dựng khu tái định cư được quan tâm triển khai ngay từ đầu, đến nay đã hoàn thành thi công hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 1 với quy mô 30 ha (600 lô); khu tái định cư phục vụ thi công đường trục tại Cát Tiến (18 lô); xây dựng khu cải táng suối Lồ Ồ tại Nhơn Hội, khu cải táng Cát Tiến. Đầu tư xây dựng khu tái định cư Cát Tiến quy mô 24 ha (519 lô) phục vụ tái định cư cho các dự án phía Bắc Khu kinh tế và tiếp tục xây dựng khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn 2 quy mô 36,6 ha (823 lô), khu tái định cư Nhơn Phước mở rộng phía Nam quy mô 6,75 ha (155 lô) và khu neo đậu tàu thuyền phục vụ khu tái định cư Nhơn Phuớc; khu nghĩa địa cải táng Cát Nhơn - Cát Hưng. Tổng số lô đất theo quy hoạch của các khu tái định cư là 2.115 lô, bảo đảm bố trí cho các nhu cầu tái định cư cho các hộ dân phải di dời tại Khu kinh tế.

Đã biên soạn tài liệu và tổ chức tuyên truyền sâu rộng về xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong Khu kinh tế, tổ chức điều tra thăm dò ý kiến, điều tra tình hình dân cư các vùng bị di dời giải tỏa để lập quy hoạch xây dựng các khu tái định cư. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được quan tâm xây dựng chính sách bồi thường tái định cư riêng cho Khu kinh tế trong đó có một số ưu đãi hơn cho người dân. Trong xây dựng các khu tái định cư, đã quan tâm quy hoạch và bố trí đất làm dịch vụ để giao đất cho các hộ gia đình, tạo điều kiện cho hộ dân thực hiện chuyển đổi nghề nhằm từng bước ổn định cuộc sống. Nhìn chung, phần lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của Khu kinh tế Nhơn Hội nhất trí ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xây dựng Khu kinh tế, đa số thống nhất việc di dời để xây dựng các khu chức năng của Khu kinh tế Nhơn Hội. 

Đến nay đã thực hiện bồi thường và giao đất sạch cho nhà đầu tư để thực hiện các dự án Khu du lịch Trung Lương, Khu công nghiệp (khu B và C), Khu trung tâm Khu kinh tế; bồi thường và giao gần 100% diện tích mặt bằng dự án Khu công nghiệp - khu A ( 630 ha ), Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch Nhơn Hội và bồi thường các dự án xây dựng hạ tầng, dự án đầu tư khác… với diện tích đã giải phóng mặt bằng trên 2.100 ha , ngoài ra còn trên 1.500 ha chủ yếu là đất trồng cây lâm nghiệp thuộc khu đô thị mới Nhơn Hội, khu điện gió, một số khu du lịch…  nên sẽ thuận lợi trong việc GPMB khi triển khai dự án. Tiếp tục tổ chức bồi thường toàn bộ các khu chức năng của Khu kinh tế, tập trung các dự án khu du lịch Vĩnh Hội, Hải Giang; khu phi thuế quan; khu du lịch lịch sử sinh thái tâm linh khu vực chùa Linh Phong … 

Đã giao đất tại các khu tái định cư để xây dựng trụ sở UBND xã, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở của xã Nhơn Hội và Nhà thờ Hội Lộc; bố trí giao đất cho 274 hộ gia đình vào các Khu tái định cư Nhơn Phước và Khu tái định cư phục vụ thi công Đường trục.

3. Thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung của khu kinh tế

Với đặc điểm là khu vực bán đảo, tuy gần trung tâm thành phố Quy Nhơn nhưng trước đây Nhơn Hội vẫn được coi là địa bàn vùng sâu vùng xa do cách trở về giao thông. Từ xác định tình hình, tỉnh đã tập trung đầu tư công trình đường nối từ thành phố Quy Nhơn đến Khu kinh tế Nhơn Hội (bán đảo Phương Mai) với điểm nhấn là cầu Thị Nại, cũng là biểu tượng vươn xa trên tư thế vững chãi của Bình Định. Đầu tư một số công trình giao thông khác như chỉnh tuyến, nâng cấp mở rộng tỉnh lộ ĐT 635 từ sân bay Phù Cát đi thẳng đến phía Bắc Khu kinh tế, xây dựng mới tuyến tỉnh lộ ĐT 639 từ Khu kinh tế đi dọc ven biển đến phía Bắc tỉnh…  đã cơ bản giải quyết bài toán giao thông đối ngoại của Khu kinh tế.

Về giao thông đối nội, đã tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường ngang từ Hội Thành đến Nhơn Lý dài khoảng 5 km kết nối xã Nhơn Lý với bên ngoài, phục vụ đi lại cho cư dân địa phương và cho khu du lịch biển Nhơn Lý Cát - Tiến, khu đô thị mới Nhơn Hội trong tương lai; xây dựng tuyến đường ven núi nối Nhơn Hội với Nhơn Hải tạo điều kiện đi về Quy Nhơn cho nhân dân xã Nhơn Hải; cơ bản hoàn thành công trình Đường trục chính (giai đoạn 1) theo hướng Bắc - Nam của Khu kinh tế dài khoảng 15 km chạy qua các khu chức năng chính của Khu kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển quỹ đất được quy hoạch và tạo thuận lợi về giao thông để đẩy nhanh tiến độ xây dựng của các nhà đầu tư.

Một số công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu khác cũng đã được hoàn thành, như trạm bơm tăng áp 12.000m3/ngày và tuyến ống cấp nước từ Quy Nhơn qua Khu kinh tế phục vụ cho khu công nghiệp và khu tái định cư Nhơn Phước; tuyến lưới cấp điện 22 KV phục vụ cho khu công nghiệp và các trạm viễn thông phục vụ nhu cầu của Khu kinh tế. Hạ tầng kỹ thuật Khu trung tâm Khu kinh tế; tổ chức trồng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát tại khu vực đồi cát Nhơn Lý, khu quy hoạch cây xanh với diện tích khoảng 250 ha.

Đang tiếp tục thi công các công trình: Đường dẫn ra cảng tổng hợp, Khu xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp (giai đoạn 1) và lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thi công Khu xử lý chất thải rắn, Đường chuyên dụng phía Tây Khu kinh tế … (có phụ lục chi tiết kèm theo).

Ngoài các công trình đầu tư từ nguồn Ngân sách, Tỉnh đã sớm mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng để phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu phi thuế quan. Đến nay, một phần hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp đã được xây dựng cơ bản đáp ứng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất, cụ thể:

+ KCN Nhơn Hội (Khu A) đã san nền được gần 500 ha/630 ha, khối lượng đào đắp 12,2 triệu m3;  thi công xây dựng khoảng 10 km đường giao thông nội bộ và hệ thống thoát nước, trong đó đã thảm nhựa 3,9km, cấp phối đá dăm 5,8 km; trồng 80% diện tích cây xanh theo quy hoạch... với giá trị thực hiện là 583 tỷ đồng/1.138 tỷ đồng (theo dự án điều chỉnh), đạt 51%. Diện tích đã cho thuê lại đất là 30,5 ha.

+ KCN Nhơn Hội (Khu B) đã san nền khoảng 230 ha/452ha, , thi công 2,7 km đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, cây xanh với giá trị thực hiện 220 tỷ đồng/546 tỷ đồng (dự án chưa điều chỉnh), đạt 40%. Diện tích đã cho thuê lại đất là 27,4 ha. 

+ KCN Nhơn Hội (Khu C) đã san nền khoảng 50 ha/228ha, tiếp tục san nền và thi công hệ thống giao thông với giá trị thực hiện 97 tỷ đồng/509 tỷ đồng dự án đạt 19%.

+ Khu phi thuế quan tuy mới triển khai nhưng cũng đã san nền được 105 ha với khối lượng san lấp 3,6 triệu m3, giá trị thực hiện khoảng 258 tỷ đồng.

Nhìn chung, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện có kết quả rõ nét về đầu tư cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế, đặc biệt là hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại, xây dựng một cách đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp và các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác để phục vụ thu hút các dự án đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển Khu kinh tế trong thời gian tới.

4. Thu hút các dự án đầu tư vào khu kinh tế

Ngay từ những ngày đầu thành lập Khu kinh tế, Tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phối hợp chặt chẽ với một số bộ, ngành, các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các ngân hàng thương mại tổ chức nhiều đợt quảng bá xúc tiến đầu tư. Do vậy, tuy mới được hình thành, Khu kinh tế Nhơn Hội đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Kết quả trong 5 năm đã có hơn 100 đoàn các nhà đầu tư trong và nước ngoài đến tìm hiểu, đăng ký, ký kết văn bản ghi nhớ đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội. Đến nay, trong Khu kinh tế có 33 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ( chưa kể 05 dự án bị thu hồi Giấy Chứng nhận đầu tư vì không đủ năng lực) với vốn đăng ký 33.544 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 3.858 ha (chiếm khoảng 60% diện tích đất quy hoạch xây dựng của Khu kinh tế), trong đó có 07 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 495,72 triệu USD. Theo lĩnh vực đầu tư, có 12 dự án hạ tầng kỹ thuật chiếm tỷ trọng 42,8% tổng vốn đầu tư, 13 dự án sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng 10,8% và 08 dự án du lịch chiếm tỷ trọng  46,4%. Suất đầu tư bình quân trên 1 ha đất khu công nghiệp là 37 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD/ha); suất đầu tư bình quân trên 1 ha đất xây dựng khu du lịch là 10,2 tỷ đồng (kể cả đất cây xanh, đồi núi…) (có phụ lục chi tiết kèm theo).

Tổng vốn thực hiện các dự án đến hết năm 2010 khoảng 1.554 tỷ đồng, có 07 dự án đã đi vào hoạt động từng phần theo dự án. Trong khu công nghiệp đã có 12 dự án thuê lại đất với diện tích là 58 ha, trong đó có 03 dự án sản xuất đã đi vào hoạt động.

Hiện nay, đã chấp thuận chủ trương cho một số dự án có quy mô lớn xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế gồm: Dự án nhà máy lọc hóa dầu giai đoạn 1 quy mô 3 – 4 triệu tấn/năm,và có thể nâng lên 6-8 triệu tấn/năm ở giai đoạn 2; dự án nhà máy nhiệt điện 700 MW tại khu phi thuế quan do các Công ty TNHH Rayong, Công ty STFE, Thai Oil (Thái Lan) hợp tác với Công ty TNHH Khang Thông đầu tư với vốn đăng ký khoảng 850 triệu USD; 02 dự án đầu tư vào khu du lịch Tân Thanh với vốn đăng ký 4.200 tỷ đồng.

Nhìn chung việc thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội đã đạt được một số kết quả bước đầu, tạo tiền đề để Khu kinh tế phát triển trong thời gian đến. Đã ban hành Quy định ký quỹ bảo đảm đầu tư vào các khu chức năng của Khu kinh tế, qua đó đã tạo cơ chế sàng lọc để tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư và tính khả thi cũng như tiến độ triển khai của các dự án đăng ký đầu tư.

 5. Kết quả huy động các nguồn vốn đầu tư

Từ năm 2006 đến 2010, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và bố trí một phần từ ngân sách tỉnh, Khu kinh tế Nhơn Hội đã được đầu tư với tổng vốn là 850,23 tỷ đồng. Cụ thể từ các nguồn:

- Vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: đã bố trí tổng vốn là 588 tỷ đồng (kể cả vốn ứng trước kế hoạch 160 tỷ đồng chưa thu hồi).

- Vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh: 262,23 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách tỉnh 10 tỷ đồng, vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 52,23 tỷ đồng, vay tồn ngân Kho bạc 200 tỷ đồng).

Nguồn vốn trên chủ yếu được sử dụng cho công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng các công trình giao thông chính, các khu tái định cư và tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng Khu kinh tế .

Kết quả huy động các nguồn vốn đầu tư tuy mới đạt khoảng 36 % nhu cầu theo chương trình hành động nhưng đây là sự nỗ lực cao của tỉnh trong làm việc với các cơ quan Trung ương và huy động các nguồn khác để đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng khu kinh tế.

6. Kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính và công tác quản lý nhà nước

Căn cứ Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, UBND tỉnh đã tiến hành phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế thực hiện hầu hết các nhiệm vụ quản lý trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường để tiến đến thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại Khu kinh tế.

Trên cơ sở đó Ban Quản lý Khu kinh tế đã xây dựng trình UBND tỉnh ban hành Bộ thủ tục hành chính theo Đề án 30, xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xin chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết, thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giao lại đất và cho thuê đất và một số lĩnh vực khác được ủy quyền, bảo đảm đúng quy định của nhà nước, các quy trình đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008. Tiến hành công khai Bộ thủ tục hành chính trên Website Khu kinh tế để tạo thuận lợi tra cứu cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý Khu kinh tế với các cơ quan, chính quyền địa phương liên quan để phân định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Ban Quản lý và các đơn vị trong việc thực hiện công tác quản lý phát triển kinh tế, quản lý lãnh thổ, an ninh quốc phòng trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội.

Đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thành Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định để tập trung thống nhất đầu mối quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp trên địa bàn, nhằm tinh gọn bộ máy, củng cố nhân lực và tăng cường hiệu quả hoạt động.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, tháng 7/2009 UBND tỉnh đã thành lập Thanh tra Ban Quản lý Khu kinh tế thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, lao động, bảo vệ môi trường, khoáng sản. Qua hoạt động của công tác thanh tra, kiểm tra bước đầu đã tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao công tác hậu kiểm, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế.

* ĐÁNH GIÁ CHUNG                                                        

1. Về kết quả đạt được

Qua 5 năm triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội, nhìn chung đã đạt được một số kết quả tích cực, đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong vùng quy hoạch Khu kinh tế, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, các sở, ngành, địa phương trong tập trung nguồn lực để xây dựng phát triển Khu kinh tế, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy để phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã đề ra: đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong Khu kinh tế; tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng trên toàn bộ khu kinh tế theo quy hoạch, tập trung đáp ứng các dự án cần triển khai sớm; khẩn trương triển khai các thủ tục để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như đường giao thông, khu tái định cư, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông nhằm bảo đảm nhu cầu xây dựng và hoạt động của các nhà đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư cũng được quan tâm đẩy mạnh, đạt được một số kết quả bước đầu, thu hút một số dự án đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản của Khu kinh tế để tạo điều kiện cho Khu kinh tế phát triển trong thời gian tới.

2. Những tồn tại, hạn chế

2.1. Kết quả thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng của Chương trình hành động của Tỉnh ủy Khóa XVII còn rất thấp: vốn thực hiện đạt 26% (1554/6000 tỷ ), diện tích lấp đầy KCN đạt 20% ( 58/300ha), giá trị SXCN không đáng kể ( chỉ tiêu: chiếm 30% giá trị SXCN toàn tỉnh ), tạo việc làm chưa nhiều ( chỉ tiêu: tạo 10.000 chỗ làm mới ), kim ngạch xuất khẩu chưa có (chỉ tiêu: chiếm 20% kim ngạch XK toàn tỉnh ).

2.2. Chất lượng quy hoạch chung Khu kinh tế còn chưa tốt, phải rà soát điều chỉnh bổ sung một số khu chức năng đã làm chậm tiến độ xây dựng Khu kinh tế. 

2.3. Tiến độ tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư còn chậm so với kế hoạch và yêu cầu:

- Việc xây dựng các khu tái định cư bị chậm và kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến công tác giải phóng mặt bằng: Khu tái định cư Nhơn Phước được quy hoạch xây dựng trên nền đất yếu nên phải có thời gian hơn 2 năm để chờ tắt lún; Khu tái định cư Cát Tiến sau 2 năm lập xong quy hoạch và dự án, chuẩn bị thi công đã dừng lại để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Khu du lịch lịch sử sinh thái tâm linh khu vực chùa Linh Phong, phải tìm vị trí để quy hoạch và giải phóng mặt bằng, lập dự án lại từ đầu.

- Nhân lực thực hiện công tác BT, GPMB còn mỏng, chưa tương xứng với quy mô và tiến độ công việc. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án gặp nhiều vướng mắc do công tác xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của chính quyền địa phương còn rất chậm; một số hộ dân không hợp tác, khiếu nại vượt chính sách nhiều lần. Việc xử lý khiếu nại của hộ dân còn kéo dài và thiếu kiên quyết.

- Chưa có giải pháp cụ thể, thiết thực chăm lo ổn định đời sống nhân dân sau khi di dời vào các khu tái định cư.

2.4. Công tác chuẩn bị đầu tư và tiến độ triển khai thi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của Khu kinh tế còn chậm so với kế hoạch do một số yếu kém trong công tác tư vấn chuẩn bị đầu tư và quản lý thi công xây dựng, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, một số dự án như công trình đường trục bị chậm tiến độ 1 năm do chờ điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế, tiến độ huy động vốn đầu tư còn có hạn và địa hình địa chất khu vực phức tạp, khối lượng thi công phát sinh, thay đổi lớn.

- Chưa lường hết tác động của việc làm mất thảm thực vật do san lấp mặt bằng xây dựng khu công nghiệp và kể cả do khai thác titan chưa hợp lý gây nên cát bay và chưa có giải pháp tối ưu để sớm giải quyết tình trạng cát bay tại Khu kinh tế.

2.5. Công tác xúc tiến đầu tư chưa thu hút được dự án lớn vào Khu kinh tế để có vai trò động lực lôi kéo các dự án vệ tinh phụ trợ. Việc triển khai thực hiện của các dự án đầu tư đã đăng ký còn chậm.

2.6. Tuy tỉnh đã nỗ lực cao trong làm việc với các cơ quan Trung ương và vận dụng các nguồn để đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng khu kinh tế nhưng kết quả huy động các nguồn vốn đầu tư vẫn chưa bảo đảm nhu cầu, phụ thuộc vào các nguồn vốn của Trung ương. Việc huy động bằng các phương thức như kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, huy động vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình trong khu kinh tế chưa thực hiện được như dự kiến. Chưa có điều kiện huy động các nguồn vốn khác như vốn từ quỹ đất, vốn ứng trước của nhà đầu tư.

3. Nguyên nhân những tồn tại, hạn chế

3.1 Nguyên nhân khách quan

- Sự hỗ trợ của Trung ương đối với tỉnh trong thời gian qua là đáng trân trọng, tuy nhiên việc quan tâm còn chưa được đúng mức để tạo đà cho Khu kinh tế sớm phát triển; Chính phủ và các bộ, ngành chưa quy hoạch đầu tư các dự án quy mô lớn của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước hay giới thiệu, định hướng cho các dự án đầu tư lớn của nước ngoài vào Khu kinh tế Nhơn Hội.

- Mục tiêu đầu tư xây dựng phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội của Chương trình hành động là tích cực với mong muốn sớm nhanh chóng phát triển Khu kinh tế nhằm tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, tuy nhiên chúng ta chưa lường hết những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế… xảy ra trong giai đoạn này đã ảnh hưởng đáng kể đến việc huy động các nguồn lực, thu hút các dự án đầu tư phát triển Khu kinh tế, làm chậm tiến độ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

- Việc xây dựng phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội về cơ bản là thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên cũng có một số khó khăn về địa hình của khu vực bán đảo, các đồi cát mấp mô, một số khu chức năng phải san lấp với diện tích rất lớn (Khu phi thuế quan) nên chi phí đầu tư hạ tầng lớn và tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng cần phải có nhiều thời gian; bên cạnh đó, tình trạng cát bay tại các khu công nghiệp sau khi san lấp mặt bằng đã tạo tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư, tất cả những lý do ấy cũng làm hạn chế đến việc hoàn thiện hạ tầng cũng như thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp trong Khu kinh tế.  

- Từ sau khi Khu kinh tế Nhơn Hội ra đời, trong cả nước hiện nay đã có 15 Khu kinh tế ven biển, đặc biệt là các Khu kinh tế Dung Quất, Vân Phong, Vũng Áng, Nghi Sơn có nhiều lợi thế trong đầu tư tập trung của Trung ương, trong bố trí và thu hút nhiều dự án lớn, đã làm gia tăng tính cạnh tranh trong thu hút các dự án đầu tư cũng như chia sẻ nguồn lực đầu tư của Trung ương đối với Khu kinh tế Nhon Hội. Mặt khác, cũng cần nhìn nhận hạn chế của Khu kinh tế Nhon Hội là thiếu cảng nước sâu, hạn chế về luồng cảng; đòi hỏi về môi trường nghiêm ngặt ( cho du lịch ven biển, cho môi trường thành phố Quy Nhơn…) nên rất khó thu hút các dự án công nghiệp nặng quy mô lớn như một số Khu kinh tế khác.

- Việc điều chỉnh quy hoạch một số khu chức năng để đáp ứng yêu cầu đầu tư của một số nhà đầu tư cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng thiết yếu của Khu kinh tế.

- Chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng còn bất cập, chế độ bồi thường thay đổi nhiều lần gây độ vênh giữa các phương án theo từng thời điểm đã tác động không tốt đến quyền lợi và tư tưởng người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.

3.2 Nguyên nhân chủ quan

- Việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển Khu kinh tế, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc còn thiếu quyết liệt và chưa tập trung đúng mức. Tuy có hình thành các Ban chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng hoạt động chỉ đạo không thường xuyên, hiệu quả hoạt động chưa cao.

- Vai trò tham mưu của Ban Quản lý Khu kinh tế còn bị động, chưa đề xuất được các giải pháp đột phá có tính quyết định để tạo động lực đẩy nhanh tiến trình phát triển Khu kinh tế. Chưa đánh giá đầy đủ tác động của tình trạng cát bay để có giải pháp tổng hợp xử lý phù hợp. Việc lựa chọn các đơn vị tư vấn, chỉ đạo thi công xây dựng các công trình hạ tầng còn thiếu quyết liệt, xử lý chưa kiên quyết.

 - Việc phối hợp thực hiện giữa các các ngành và địa phương trong đầu tư xây dựng Khu kinh tế còn bất cập và thiếu đồng bộ,  chưa thực sự quan tâm đến các nhiệm vụ đã được phân công theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh. Nhất là sự phối hợp chưa tốt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong giải quyết đơn thư khiếu nại, trong tổ chức thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền một số địa phương trong địa bàn Khu kinh tế. 

- Điều kiện đáp ứng yêu cầu về huy động vốn không bảo đảm và không đạt như mong muốn ( 850,23/2.335 tỷ ), lệ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương tuy đã có bố trí nhưng chưa tương xứng, do vậy việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu Khu kinh tế còn chưa được đồng bộ.

- Một số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư chậm triển khai thi công, ngoài vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, còn do một số nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai dự án. Ngoài ra, tư tưởng kéo dài thời gian tận thu ti tan và thiếu tích cực trong việc chống cát bay, định giá cho thuê lại đất có kết cấu hạ tầng còn cao… của một số chủ đầu tư các khu chức năng cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ xây dựng và phát triên khu kinh tế.

- Dự án cảng tổng hợp, một dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển Khu kinh tế đã chậm triển khai, một phần do năng lực của chủ đầu tư nhưng cũng có nguyên nhân Bộ Giao thông Vận tải (Cục Hàng hải) chậm trễ trong việc thực hiện dự án nạo vét luồng vào cảng.

(Còn nữa)

NB