Ban hành Chỉ thị nâng cao chỉ số PCI năm 2011
13/06/2011

 

Ngày 10/6/2011, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 nhằm khắc phục những hạn chế, duy trì và nâng cao Chỉ số PCI năm 2011 của tỉnh, tránh sự tụt hậu so với các tỉnh trong vùng và ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

 

Ngày 10/6/2011, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 nhằm khắc phục những hạn chế, duy trì và nâng cao Chỉ số PCI năm 2011 của tỉnh, tránh sự tụt hậu so với các tỉnh trong vùng và ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên cơ sở kết quả đạt được năm 2010 chỉ đạo phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, những điểm còn hạn chế của ngành, của địa phương để xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo 9 nội dung chỉ số thành phần của PCI như sau:

1. Giảm chi phí gia nhập thị trường.

- Tập trung giảm tối đa về chi phí thời gian để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có đủ điều kiện sớm đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là thời gian bàn giao mặt bằng; giải quyết các loại thủ tục theo quy định; đăng ký và sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập doanh nghiệp. Giảm số lượng một cách hợp lý các loại giấy đăng ký, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện và các quyết định chấp thuận đối với doanh nghiệp.

- Các cấp, các ngành tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” ở cấp, ngành mình để sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định, quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa phù hợp và giảm tối đa thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết.

- Từng sở, ban, ngành và địa phương phải xây dựng các quy trình giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, chứng chỉ hành nghề, các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đánh giá tác động môi trường,…; đồng thời, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, trên website của cơ quan và của tỉnh và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tổ chức và cá nhân biết, thực hiện.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các cán bộ, công chức phụ trách công tác giải quyết thủ tục hành chính, nhằm đảm bảo nắm vững các quy định, quy trình, thủ tục giải quyết, kỹ năng tác nghiệp, cũng như xác định rõ trách nhiệm để có sự thống nhất phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong giải quyết công việc, đúng theo trình tự thủ tục, nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. 

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu công việc; bố trí chỗ, nơi làm việc thuận lợi, thoải mái khi các tổ chức, doanh nghiệp và công dân đến quan hệ giải quyết thủ tục hành chính.

2. Tiếp cận đất đai

- Thực hiện tốt việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là các quy hoạch ngành, lĩnh vực, qua đó xây dựng các dự án, danh mục kêu gọi đầu tư để giúp các doanh nghiệp lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của mình; công khai, minh bạch và tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách đất đai; thực hiện nhất quán về chủ trương giao đất, cho thuê đất,… và chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Tiến hành rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục không cần thiết trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đồng thời, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết đất đai cho doanh nghiệp để sớm có mặt bằng triển khai dự án đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Quản lý chặt chẽ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng đất, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

- Ban Quản lý Khu kinh tế tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp trên địa bàn để có mặt bằng sạch giao cho các nhà đầu tư khi có nhu cầu.

- Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn để có mặt bằng sạch giao cho các nhà đầu tư khi có nhu cầu.

3. Tính minh bạch khi tiếp cận thông tin

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin của tỉnh, trang thông tin xúc tiến đầu tư và hợp tác, website của các sở, ngành, huyện, thành phố và tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, các thủ tục hành chính, các chính sách mới ban hành; thông tin về quy hoạch, kế hoạch, dự án nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tận dụng tốt các cơ hội đầu tư và tổ chức hoạt động được nhanh chóng, thuận lợi theo đúng chủ trương, chính sách đã ban hành.

- Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động website của tỉnh và của các sở, ngành, huyện, thành phố. Duy trì thường xuyên việc đăng tải công khai những thông tin không thuộc diện bảo mật trên website gồm: các Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thành phố; các quy hoạch ngành và sản phẩm; các danh mục và dự án tiền khả thi, các dự án đầu tư hàng năm thuộc nguồn vốn Nhà nước và dự án kêu gọi đầu tư; kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm; các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vốn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; thủ tục, mức thuế, những khoản thuế và nghĩa vụ tài chính được miễn, giảm đối với doanh nghiệp.

4. Giảm đến mức tối thiểu chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp

- Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ các khoản thu phí, lệ phí theo đúng quy định; nghiêm cấm tự ý đặt ra và buộc doanh nghiệp phải nộp các khoản ngoài quy định, hoặc tự đặt ra một số điều kiện ràng buộc trong việc giải quyết các thủ tục có liên quan đến doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ tự ý đặt ra các khoản thu, điều kiện ràng buộc ngoài quy định, các thủ tục gây khó khăn, phiền hà, hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

5. Giảm chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông” để rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, từng bước đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan công quyền và dịch vụ công.

- Thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư với quan điểm việc gì khó phải thuộc về cơ quan Nhà nước, việc gì thuận lợi phải dành cho doanh nghiệp, không để các vụ việc giải quyết dây dưa, kéo dài, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

- Giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp giữa các ngành đối với doanh nghiệp. Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi có dấu hiệu vi phạm các quy định Nhà nước.

- Các cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý với công việc được giao; tận tâm, tận tình, hướng dẫn đầy đủ các thủ tục cho doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để bổ sung thủ tục do hướng dẫn không đầy đủ; đồng thời, thực hiện tốt quy tắc ứng xử khi tiếp xúc với doanh nghiệp, công dân đến yêu cầu công việc.         

6. Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp.

- Lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh phải tích cực học tập, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực do mình phụ trách để nắm vững các quy định của pháp luật, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế; cần năng động, nhạy bén và vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định của Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để giúp các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh; chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện để phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế ở địa phương.

- Hàng năm, tổ chức khảo sát đánh giá sự hiểu biết về lĩnh vực kinh tế đối với cán bộ chủ chốt các cấp; nếu chưa đáp ứng yêu cầu thì có kế hoạch tổ chức tập huấn, đào tạo, bố trí lại cán bộ để thúc đẩy sự phát triển.

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của doanh nghiệp. Lãnh đạo các cấp, các ngành thường xuyên gần gũi, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực và địa bàn quản lý.

7. Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

- Thực hiện đối xử bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; tiếp cận nguồn vốn; xúc tiến đầu tư, thương mại; đăng ký thương hiệu; công bố chất lượng và tiêu thụ sản phẩm; khen thưởng, biểu dương những đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh .v.v… đồng thời, không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, vừa hay nhỏ, cũng như trong xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

- Hệ thống ngân hàng phải linh hoạt hơn nữa đối với thủ tục cho vay thế chấp; thực hiện sự bình đẳng trong quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp; coi doanh nghiệp là bạn hàng, đối tác làm ăn lâu dài, tạo vốn cho doanh nghiệp kinh doanh cùng có lãi.

- Các hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh và các hội ngành nghề tăng cường sự hỗ trợ, liên kết trong sản xuất - kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp theo quy định pháp luật và phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương.

- Tăng cường chất lượng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp về dịch vụ cung cấp thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác, xúc tiến đầu tư - thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm… thông qua chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại; thường xuyên xuất bản các ấn phẩm cung cấp thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp.

- Thực hiện tốt việc cung cấp và chuyển giao các dịch vụ khoa học, công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, sở hữu công nghiệp, trí tuệ, quảng bá sản phẩm, đào tạo kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, truyền thông, dịch vụ trực tuyến, xây dựng Website, khai thác mạng thông tin và internet .v.v…

8. Đào tạo lao động.

- Củng cố và phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lao động kỹ thuật phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Đào tạo nghề gắn với chương trình phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, của ngành, vùng kinh tế và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

- Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cho đào tạo nghề, đặc biệt đối với các cơ sở đào tạo nghề trọng điểm, ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao; nâng cao chất lượng đào tạo.

- Các cơ sở đào tạo lao động cần phải nắm rõ nhu cầu sử dụng lao động để có kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu. Thường xuyên thông báo công khai về kết quả, chất lượng, ngành nghề, loại hình, số lượng được đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp biết tuyển dụng.

- Tiếp tục thực hiện cơ chế đào tạo lao động theo địa chỉ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng, tránh tình trạng đào tạo lao động có tay nghề nhưng không tìm được việc làm.

- Tăng cường tổ chức sàn giao dịch, giới thiệu việc làm tại tỉnh, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người có nhu cầu việc làm tiếp cận giao dịch; đồng thời, quan hệ thường xuyên với các doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề, các doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động; đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động; đồng thời thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của tỉnh.

9. Về thiết chế pháp lý.

- Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động đối với hệ thống cơ quan tư pháp trong tỉnh (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và tư pháp), nhằm đảm bảo các thiết chế pháp lý được thực thi đúng quy định, đặc biệt là trong giải quyết các tranh chấp về kinh tế; đồng thời, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường trách nhiệm trong việc giải quyết các vụ tranh chấp, khi giải quyết phải đảm bảo khách quan, công tâm và đúng theo quy định của pháp luật để các doanh nghiệp ngày càng tin tưởng vào cơ quan công quyền và tạo thói quen sử dụng các thiết chế pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

- Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện các văn bản pháp lý; sửa đổi, bổ sung các văn bản chưa phù hợp, hủy bỏ các văn bản không còn hiệu lực pháp luật cũng như các văn bản không đúng về nội dung, thể thức; ban hành những văn bản mới…, nhằm giúp cho công tác quản lý, điều hành kinh tế ngày càng tốt hơn.

- Công bố công khai các trình tự, thủ tục tố tụng, khiếu nại, tố cáo và quy định rõ về thời gian giải quyết các vụ việc được nhanh chóng, công bằng, hợp lý; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc lập thủ tục hồ sơ khiếu nại, tranh chấp.

Đồng thời, việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp khắc phục những điểm yếu để duy trì và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong năm 2011 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các hiệp hội các doanh nghiệp trên địa bàn và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu toàn văn Chỉ thị này.

 

Hạnh Nguyên