Khi festival là cơ hội của người dân…
01/12/2008

 

Một festival lần đầu tiên được tổ chức trên miền đất võ Bình Định đã được cả nước chú ý từ trước đó vài tháng do được quảng cáo khá bài bản và liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dám quảng cáo với tần suất như vậy chứng tỏ kinh phí tổ chức lễ hội này không nhỏ.

 

Một festival lần đầu tiên được tổ chức trên miền đất võ Bình Định đã được cả nước chú ý từ trước đó vài tháng do được quảng cáo khá bài bản và liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dám quảng cáo với tần suất như vậy chứng tỏ kinh phí tổ chức lễ hội này không nhỏ.

Nhưng, thật ngạc nhiên, khi chúng tôi hỏi ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bình Định thì được biết, ngân sách nhà nước tỉnh chi cho festival này khá nhỏ. Phần còn lại, khá lớn, là do các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân - kể cả những doanh nghiệp thành đạt của những người con quê hương Bình Định - tài trợ.

Một mô hình xã hội hóa festival đã ra đời, và hứa hẹn sẽ thành công. Ít nhất, nó không làm hao tốn ngân sách của tỉnh trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Hơn thế nữa, nó huy động được sự đóng góp của xã hội, bắt đầu từ những người quê Bình Định đang làm ăn trong tỉnh và ngoài tỉnh, những người yêu quê hương một cách cụ thể: muốn Bình Định thu hút được ngày càng nhiều du khách và cả những nhà đầu tư, muốn hình ảnh thân thiện và hấp dẫn của Bình Định đến với mọi vùng đất Việt Nam và bạn bè trên thế giới.

Từ lâu nay, người ta đã biết Bình Định là một trong những chiếc nôi của văn hóa. Từ văn hóa cổ tới văn hóa đương đại, là chiếc nôi của nghệ thuật tuồng Việt Nam, là miền đất khai sáng của võ thuật Tây Sơn - Bình Định, là nơi khởi phát những chiến công hiển hách của triều đại Tây Sơn - Nguyễn Huệ, là vùng đất hội tụ nhân tài trên nhiều lĩnh vực. Nhưng để du khách có điều kiện đặt chân tới Bình Định, tận mắt cảm nhận vẻ đẹp rất riêng của vùng đất này, và tìm được cơ hội kết nối giao lưu văn hóa hay đặt cơ sở đầu tư làm ăn… tất cả lại cần một "cú hích" - ở đây là một lễ hội lớn - với mục đích "hội tụ và phát triển" như slogan của Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 đã gợi lên. Hình thức festival đối với Việt Nam bây giờ không còn mới lạ, nhưng trong hiện tại và cả tương lai, nó vẫn hết sức cần thiết để giới thiệu sự hấp dẫn của một địa phương, một vùng đất. Mở đầu với Festival Huế rất thành công, tiếp tới là Festival Hội An cũng rất thu hút du khách, giờ tới Festival Tây Sơn - Bình Định nhằm hai mục đích: kích cầu du lịch và thu hút đầu tư. Nằm ngay cửa ngõ mở lên Tây Nguyên đầy tiềm năng, Bình Định thực sự có điều kiện không chỉ làm cầu nối với Tây Nguyên, mà còn tự giới thiệu mình như một khu vực đầu tư đầy hứa hẹn. Nhưng nếu không có festival 2008 này, Bình Định sẽ còn thiếu một ngòi nổ, một "cú hích" để tăng tốc, mặc dù khu kinh tế Nhơn Hội đã hình thành, và cây cầu vượt biển Thị Nại đã chính thức đưa Bình Định nhìn thẳng ra phía biển.

Để festival trở thành một lễ hội không mang tính hình thức hay phô trương, thì "xã hội hóa festival" là một chủ trương đúng đắn. Khi người dân trực tiếp tham gia vào festival, coi festival là cơ hội của chính mình, chứ không chỉ là cơ hội của chính quyền, thì lễ hội mới thực sự là lễ hội của nhân dân. Nó có khả năng kết nối chính những người dân Bình Định lại với nhau trong công việc làm ăn của mình, đồng thời kết nối Bình Định với mọi người, mọi vùng đất. Và nói thật, nếu không có festival 2008 này, thì Quy Nhơn chưa thể có được vẻ đẹp, sự khang trang, sức thu hút như nó đang và vừa mới có. Một thành phố "xanh sạch đẹp" bên bờ biển là niềm mơ ước từ bao lâu nay của người Quy Nhơn, của người Bình Định đã hiện hình ngay trước festival này. Lợi ích "thấy được ngay" của festival là ở đó!

Nguồn: Báo Thanh Niên