20 giờ tối qua, 1-8, tại quảng trường trước Trung tâm Thương mại TP Quy Nhơn, Festival Tây Sơn - Bình Định đã chính thức khai mạc. Với chủ đề “Nghĩa khí Tây Sơn - Hội tụ và phát triển”, lễ khai mạc đã dẫn dắt người xem đi từ những ký ức về truyền thống, nét đẹp văn hóa, tính cách con người, từ vùng đất tụ nghĩa của phong trào áo vải đến tiềm năng kinh tế và nhịp điệu phát triển hôm nay của Bình Định.
20 giờ tối qua, 1-8, tại quảng trường trước Trung tâm Thương mại TP Quy Nhơn, Festival Tây Sơn - Bình Định đã chính thức khai mạc. Với chủ đề “Nghĩa khí Tây Sơn - Hội tụ và phát triển”, lễ khai mạc đã dẫn dắt người xem đi từ những ký ức về truyền thống, nét đẹp văn hóa, tính cách con người, từ vùng đất tụ nghĩa của phong trào áo vải đến tiềm năng kinh tế và nhịp điệu phát triển hôm nay của Bình Định.
(ảnh: Báo Bình Định)
Ngay từ chiều 1-8, hàng ngàn người dân đã “hội tụ” về Quy Nhơn chờ xem đêm khai mạc. Chưa bao giờ, phố biển Quy Nhơn rộn ràng đến vậy. Nhiều người đã chọn mua những “chiếc nón lính Tây Sơn”. Hâm nóng bầu không khí trước giờ khai mạc, màn “Trống trận Tây Sơn” đã giục giã, cùng hình ảnh Hoàng đế Quang Trung và các tướng sĩ hành quân đánh đuổi ngoại xâm được tái hiện.
Đúng 20 giờ, lễ khai mạc chính thức bắt đầu. Mong ước mang đến cảm nhận đầu tiên cho du khách về Bình Định, đến với “Vùng đất mến yêu” (chủ đề phần 1) là hoạt cảnh “Biển trời huyền dịu”. Dìu dặt tiếng nhạc, 16 nàng tiên xuất hiện trên cao, nhìn ngắm rồi ào xuống “mặt biển – những tấm lụa mềm mại”.
Những điệu múa uyển chuyển, biển bồng bềnh, các nàng tiên thoắt ẩn, thoắt hiện. 8 thi nhân xuất hiện cùng điệu múa “Đề thơ”, để rồi các thi nhân - tiên nữ cùng làm đắm say lòng người qua các điêïu múa. Bất chợt, trên cái nền thiên nhiên trữ tình ấy, 24 chàng trai, cô gái Bình Định xuất hiện. Các cô gái họa theo những “điệu múa thần tiên”, các chàng trai vẫy vùng chinh phục biển khơi. Các nàng tiên bay đi. Còn các thi nhân, kẻ thì muốn ở lại làm người trần thế (như bao chàng trai, cô gái Bình Định), người lại muốn bay bổng cùng các tiên.
Màn 2 thể hiện chủ đề “Bình Định - Miền đất võ”. Khởi đầu là 40 nữ võ sinh múa gậy, quyền thuật. Tiếp đến, 40 nam sinh đồng diễn giáo, đại đao. Khi các nam, nữ võ sinh đang đồng diễn những màn võ thuật thì trên sân khấu xuất hiện tiếp 20 nam nữ biểu diễn những màn võ đối kháng đẹp mắt.
Bình Định không chỉ có võ, mà còn là “xứ sở tuồng độc đáo” (màn 3). Một tổ khúc liên hoàn giới thiệu những nét đặc trưng của nghệ thuật tuồng Bình Định với các hoạt động giới thiệu tính cách vai diễn qua mặt nạ, giới thiệu đạo cụ - binh khí tuồng và cuối cùng là giới thiệu những vũ đạo tuồng Bình Định.
Phần hai tập trung giới thiệu về “Nghĩa khí Tây Sơn trên khắp mọi miền đất nước”. Trong suốt phần biểu diễn này, khán giả hò reo không ngớt trước mỗi chiến công, mỗi hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn.
Khởi đầu là hình ảnh “Tây Sơn tụ nghĩa”. Dưới lá cờ “Đại nghĩa” được giương cao, 3 anh em Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ cùng các vị chỉ huy, bô lão… trang trọng tế cờ. Khi người anh hùng Nguyễn Huệ tuốt kiếm vung lên, người người hưởng ứng, vẫy cờ và reo hò vang vọng núi sông. Khí thế Tây Sơn ngất trời.
Hình ảnh luyện võ của binh sĩ Tây Sơn, múa khiên, múa “Roi Coong” của người Ba Na, hình ảnh “dạy voi” dần được thể hiện qua những vũ điệu sinh động, hấp dẫn… Và từ vùng đất Tây Sơn, nghĩa quân tiến về “Đất phương Nam, chiến thắng Rạch Gầm” (màn 5).
Xen lẫn những bước chân hành quân thần tốc của nhà Tây Sơn, là hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất phương Nam, truyền thống anh hùng và cuộc sống hiền hòa của người dân Nam bộ. Truyền thống hào hùng từ khi chiến thắng Rạch Gầm đã “chảy” dài trong mạch ngầm truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc cho đến 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
“Lễ đăng quang” (màn 6) của Hoàng đế Quang Trung được tái hiện trong không khí trang trọng, linh thiêng, mang cả hồn sông núi, bởi đây là sự kiện, một việc làm “Thuận theo lẽ trời - Thuận với lòng người”. Đất trời phăng phắc khi Hoàng đế Quang Trung cất tiếng sang sảng đọc “Chiếu lên ngôi”.
Từ “danh chính, ngôn thuận” ấy, Quang Trung phất cao ngọn cờ giải phóng, tiến quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh. “Ngày hội hoa đào” được tái hiện lại với khí thế hào hùng của nhà Tây Sơn trong các lễ hội Đống Đa được tổ chức hàng năm ở Hà Nội.
Giữa lúc đêm khai mạc diễn ra hào hứng, trời Quy Nhơn nổi cơn mưa và sấm sét. Khán giả phải ra về trong tiếc nuối. Trong lúc đó, mặc trời mưa, các diễn viên vẫn tiếp tục thể hiện phần thứ 3 kịch bản, thể hiện ước vọng “Đổi mới-Hội tụ và Phát triển”. Đó cũng là thông điệp hôm nay của người Bình Định, trước kính cáo tổ tông, sau gửi đến bạn bè khắp năm châu, bốn bể.
Chương trình biểu diễn đêm khai mạc có sự tham gia của 8 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, 1.200 học sinh, sinh viên cùng một số voi ngựa. Hệ thống sân khấu được dàn dựng có 12.000 chỗ ngồi phục vụ nhân dân và đại biểu tham dự lễ khai mạc.
Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng