Sau 3 ngày diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi, tối 3.8, Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 đã khép lại với thành công lớn nhất là nghĩa tình, sự thân thiện của "đất võ, trời văn".
Sau 3 ngày diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi, tối 3.8, Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 đã khép lại với thành công lớn nhất là nghĩa tình, sự thân thiện của "đất võ, trời văn".
(ảnh: Báo Bình Định)
Tối 3.8, hàng vạn người dân Bình Định lại chen vai thích cánh cùng khách thập phương đổ xô về quảng trường trung tâm để trực tiếp thưởng lãm những tiết mục tinh tuyển từ chương trình của gần 10 đoàn nghệ thuật trong, ngoài nước và trầm trồ, xuýt xoa trước 27 thí sinh (gồm 7 thí sinh quốc tế) tham dự cuộc sàng lọc nhan sắc võ thuật đầu tiên. Một lần nữa, cảnh hợp long cầu Thị Nại được tái hiện như điểm nhấn, như hình ảnh biểu trưng về tinh thần "Hội tụ và phát triển". Trước đó, đêm 2.8, trên mặt đầm Thị Nại, nơi mấy trăm năm trước từng diễn ra những trận thuỷ chiến kinh điển của anh em nhà Tây Sơn - Nguyễn Huệ, hội hoa đăng với hàng ngàn chiếc đèn hoa thả theo kết cấu một trận đồ đã tạo nên những cảm xúc thăng hoa trước vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của nước, lửa và ánh sáng. Festival cũng là dịp hội ngộ của những làng nghề nổi tiếng trong toàn quốc.
Người Bình Định chờ đợi sự kiện này đã lâu rồi. Dù mưa gió đột ngột làm phá sản ít nhiều ý tưởng, kịch bản lễ hội, nhưng nhìn tổng thể, trong suốt thời gian diễn ra fetisval, phố biển Quy Nhơn vẫn luôn sôi động. Thành phố 200 ngàn dân lúc nào cũng tưng bừng vì quá tải. Ngành du lịch chưa kịp thống kê để biết chính xác có bao nhiêu khách đến Bình Định, nhưng một thăm dò nhỏ của P.V Lao Động cho thấy, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ ở Quy Nhơn những ngày qua chỉ đủ phục vụ nhu cầu... đối ngoại.
Vợ chồng nhà giáo Lâm Thị Xuân Thái, từ Phù Cát vào Quy Nhơn dự festival như phần thưởng dành cho cậu con trai vừa thi đậu thủ khoa ĐH Bách khoa TPHCM phải lắc đầu thông cảm khi không sao tìm ra chỗ nghỉ qua đêm. Chiều con, gia đình chị Thái phải "tua" đi, "tua" lại hết đợt này đến đợt khác quãng đường 80km đi - về để "xem cho hết lễ hội". Một chiến sĩ bảo vệ tại Bảo tàng Quang Trung hôm 1.8 kể lại, để có chỗ xem lễ dâng hương - dâng hoa tại điện Tây Sơn Tam Kiệt, người dân các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước đã lọ mọ cả đêm mới "giành" được chỗ trên khán đài lúc 2-3 giờ sáng.
Có thể dân đất võ "đói" sự kiện, "đói" lễ hội, "đói" sản phẩm văn hoá khả dĩ thoả mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, nhưng lớn hơn, đó là tình cảm với người anh hùng áo vải, với vận hội mới của đất tổ quê cha. Không chỉ người dân, mà cả các nhà chức trách, cộng đồng doanh nghiệp cũng mở lòng như vậy. Ngay cái cách xã hội hoá kinh phí phục vụ lễ hội; cách Bình Định đón tiếp trọng thị, hoàn toàn miễn phí trên 1.000 lượt khách từ trung ương đến các địa phương xa gần đã để lại trong lòng bè bạn những ấn tượng tốt lành về một Bình Định cởi mở, thân thiện và hiếu khách. Tất nhiên, không phải mọi chuyện đều hoàn hảo, ví như nạn giật dọc tung hoành hay việc thiếu vắng phương án ứng phó, dự phòng cho diễn biến thời tiết bất thường, thậm chí ngay cả chất lượng kịch bản, khả năng tổ chức sự kiện cũng không phải không có "sạn".
* Trong khuôn khổ festival, Bình Định tự giới thiệu trước các tập đoàn kinh tế lớn như một địa chỉ thu hút đầu tư mới nổi, giàu sức cạnh tranh và triển vọng. Chỉ riêng trong nước, có tới 9 nhà đầu tư tầm cỡ đặt bút ký cam kết hợp tác làm ăn lâu dài với Bình Định như Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN, Tập đoàn Dầu khí, TCty Hàng không, TCty Hàng hải...
* 6 kỷ lục tại Festival Tây Sơn - Bình Định 2008: Tại lễ bế mạc Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) đã công bố 6 kỷ lục vừa xác lập. Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền đạt 2 kỷ lục: Nhiều chương trình võ thuật quy mô lớn nhất và tổ chức liên hoan võ thuật quy mô lớn nhất. 4 kỷ lục còn lại là: Thực hiện pháo kỹ xảo sân khấu lớn nhất; triển lãm sắp đặt có số lượng mặt nạ và hình ảnh nhiều nhất; dàn trống lễ hội dân tộc lớn nhất; chiếc bánh tráng nước dừa lớn nhất.
Nguồn: Báo Lao động