Hiện nay, tỉnh ta đang triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư (ĐT) và xem đây là một trong những động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. P.V Báo Bình Định phỏng vấn ông Lê Văn Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (ảnh), quanh vấn đề này.
- Những năm qua, đặc biệt là năm 2010, đã diễn ra nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư (XTĐT) nổi bật của tỉnh và của vùng, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị XTĐT vào địa bàn tỉnh và tham gia nhiều hoạt động XTĐT lớn có tính chất vùng và quốc gia. Năm 2010, Trung tâm XTĐT tỉnh đã tích cực chuẩn bị nội dung, tham gia làm việc với hơn 45 đoàn doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội ĐT tại tỉnh ta; đưa thông tin quảng bá hình ảnh của tỉnh trên hàng loạt ấn phẩm của Trung ương và địa phương…
Từ đầu năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 dự án ĐT trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp chứng nhận ĐT, tổng vốn đăng ký trên 150 triệu USD. Trong đó, Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp có 2 dự án, tổng vốn đăng ký 131 triệu USD. Tính đến nay, toàn tỉnh có 39 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 617 triệu USD, gồm 32 dự án 100% vốn nước ngoài và 7 dự án có góp vốn giữa nhà ĐT trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã cấp Giấy chứng nhận ĐT 35 dự án cho các nhà ĐT trong nước, tổng vốn đăng ký gần 10.000 tỉ đồng; đồng thời, đã chấp thuận chủ trương ĐT cho 23 dự án và nhiều dự án khác đang làm thủ tục chấp thuận chủ trương ĐT.
* Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
- Bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện tốt các quy định của Trung ương về cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản để từng bước minh bạch hóa các thủ tục hành chính. Đặc biệt, từ năm 2007, tỉnh ta đã xây dựng được cơ chế một cửa liên thông trong thành lập DN, đã và đang được nhiều DN cũng như các chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên, kết quả về ĐT như hiện nay là còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Theo kết quả do VCCI công bố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010, Bình Định đứng thứ 20/63, tụt 13 bậc so với năm 2009. Tuy vẫn ở nhóm tốt, nhưng rõ ràng có hai khả năng xảy ra: Thứ nhất, các tỉnh, thành phố khác đã có bước vươn lên thật sự trong bảng xếp hạng này; thứ hai, Bình Định đã không trụ vững vị trí nhóm đầu bảng do nhiều chỉ số có điểm chưa tốt.
Với góc độ là cơ quan thực hiện công tác XTĐT trên địa bàn tỉnh, theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Cụ thể, giao thông đến Bình Định chưa thật sự thuận lợi cho nhà ĐT. Dù tỉnh ta có cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách và nhà ĐT. Đường bộ thì chật hẹp, xuống cấp, tốc độ lưu thông chậm; đường hàng không gần đây có tăng chuyến nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhà ĐT.
Thời gian qua, tỉnh ta đã nỗ lực trong quảng bá hình ảnh đến với nhà ĐT trong và ngoài nước nhưng thông tin về tỉnh còn hạn chế. Một số sở, ngành có website hoạt động tương đối tốt, bằng hai thứ tiếng Việt - Anh, thông tin thường xuyên cập nhật, nhưng vẫn còn một số website của các cơ quan của tỉnh không kịp thời cập nhật thông tin, hoặc có nhưng lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu của nhà ĐT. Công tác quy hoạch chưa thực sự “đi trước một bước” để mở đường cho ĐT phát triển. Việc giải phóng mặt bằng, định giá đất chưa kịp thời, phí hạ tầng tại một số nơi có tính cạnh tranh chưa cao, chưa thật sự hấp dẫn với nhà ĐT. Thủ tục hành chính tuy đã cải tiến nhiều nhưng so với yêu cầu thì còn chậm. Đối với một số dự án, thời gian xem xét chấp thuận chủ trương ĐT còn hơi dài; hồ sơ giấy tờ quá nhiều và trùng lắp, nhất là hồ sơ báo cáo sau ĐT. Khi cần ý kiến chỉ đạo hoặc giải quyết công việc liên quan, nhiều cơ quan nhà nước đã chậm trễ hoặc không trả lời yêu cầu của nhà ĐT...
- Để thu hút ĐT mạnh mẽ hơn, theo tôi, các cơ quan của tỉnh cần giải quyết tốt các vấn đề sau đây: Thứ nhất, UBND tỉnh cần xác định giá đất một cách hợp lý hơn, vừa đảm bảo lợi ích của ngân sách, vừa phù hợp với định hướng ưu tiên mời gọi ĐT của tỉnh đối với từng lĩnh vực, trong từng thời kỳ. Thứ hai, các sở, ngành sớm hoàn thiện các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để cơ quan XTĐT của tỉnh chủ động trong mời gọi ĐT và khi nhà ĐT vào tỉnh thì không phải chờ đợi. Thứ ba, Bình Định xác định phải đi trước một bước trong chuẩn bị hạ tầng (cả kinh tế và xã hội), coi đây là bước chuẩn bị thiết thực nhất để mời gọi các nhà ĐT đến với tỉnh; chủ động xây dựng danh mục dự án mời gọi ĐT và chọn dự án để ưu tiên mời gọi ĐT. Thời gian tới, chúng ta nên chọn vài dự án có tính khả thi cao, nội dung mời gọi có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến kinh tế - xã hội của tỉnh để làm động lực và tâm điểm thu hút ĐT. Thứ tư, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường ĐT và thực hiện nghiêm các chính sách, quy định; đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh phải xác định phục vụ nhà ĐT như phục vụ cho chính mình.
Sắp tới, Quyết định số 159/2010/QĐ-UBND ngày 8.4.2010 về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về ĐT trên địa bàn tỉnh sẽ được sửa đổi và ban hành, trong đó, sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án ĐT. Với sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và các địa phương, cùng sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, hy vọng, ngày càng có nhiều nhà ĐT, thương nhân đến làm ăn tại tỉnh ta.
Hạnh Nguyên (Theo Báo Bình Định Online)