Bình Định nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
27/04/2011

 

Chiều ngày 26/4/2011, UBND tỉnh phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “PCI 2010 và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Định năm 2011” tại KS Hoàng Yến, Tp Quy Nhơn để nhằm phân tích, đánh giá sâu hơn kết quả PCI 2010 và đề ra giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PCI 2011 cho tỉnh. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc phát biểu tại hội thảo

 

Chiều ngày 26/4/2011, UBND tỉnh phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “PCI 2010 và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Định năm 2011” tại KS Hoàng Yến, Tp Quy Nhơn để nhằm phân tích, đánh giá sâu hơn kết quả PCI 2010 và đề ra giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PCI 2011 cho tỉnh. Tham dự hội thảo có ông Lê Hữu Lộc – Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Cường – Giám đốc VCCI, ông Jim Winkler – Giám đốc Dự án Nâng cao Năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI), ông Đậu Anh Tuấn - Phó Ban Pháp chế VCCI cùng các chuyên gia và lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia của VCCI, VNCI đã trình bày kết quả kháo sát, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của Bình Định năm 2010 trong việc xây dựng môi trường kinh doanh cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Nguyên nhân PCI 2010 của tỉnh bị tụt 13 bậc so với PCI 2009 vì các chỉ số: tính gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động đều bị giảm điểm. Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn của các đại biểu tham dự.

Ông Lê Văn Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhiều nhà đầu tư không muốn đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã có sẵn hạ tầng mà lại đăng ký đầu tư bên ngoài nên đã gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, làm chậm tiến độ triển khai dự án.

Ông Đào Quý Tiêu - Giám đốc Sở Xây dựng, công tác lập quy hoạch của tỉnh chưa tốt, nhiều nhà đầu tư khi cần bản đồ quy hoạch của một xã, huyện hoặc thành phố thì chúng ta thường lúng túng nên cần tăng cường công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, nhất là quy hoạch đô thị, trong đó cần phủ kín quy hoạch tỷ lệ 1/2000 cho thành phố Quy Nhơn và các đô thị lớn của tỉnh làm cơ sở cho việc xem xét giới thiệu địa điểm của các dự án đầu tư. Để làm tốt việc này cần có cơ chế cấp vốn để lập quy hoạch xây dựng. Công khai kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở, các dự án bất động sản để các nhà đầu tư có đủ thông tin.

Ông Đinh Văn Tiên - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, việc tiếp cận đất đai khó như hiện nay là do việc xác định nguồn gốc đất đai rất phức tạp, chính sách bồi thường thường xuyên thay đổi theo hướng càng về sau càng có lợi cho người bị thu hồi đất làm phát sinh tâm lý kéo dài thời gian để hưởng lợi nhiều hơn; trình độ, năng lực của một số cán bộ trong các Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng còn hạn chế, nên một số dự án thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài gây phát sinh mâu thuẫn; công tác tái định cư cho dân còn chậm so với tiến độ đầu tư các dự án;

Ông Nguyễn Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã đưa ra nhiều dịch vụ tốt, thiết thực để cung cấp cho các doanh nghiệp, nhưng với nhiều lý do khác nhau mà các chủ doanh nghiệp chưa mặn mà hoặc không quan tâm sử dụng các dịch vụ này, đã gây lãnh phí không ít tiền bạc và công sức của cán bộ phục vụ.

Ngoài ra, các chuyên gia và đại biểu của cơ quan thuế, hải quan, BQL Khu Kinh tế, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp cũng đã đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên cần cải cách trong thời gian tới của Bình Định để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đó là: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, rà soát các TTHC  mới, thực hiện hiệu quả các TTHC đã được rà soát, giảm thời gian, gánh nặng hành chính cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình, thủ tục tại các đơn vị, giảm khó khăn, cản trở và phiền nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao tính minh bạch, công khai thông tin như tập trung đẩy cạnh việc công khai, minh bạch hóa thông tin cho doanh nghiệp: ứng dụng CNTT, công khai văn bản pháp quy, kế hoạch trên công thông tin điện tử, trang web…. Tăng cường vai trò của hiệp hội, lấy ý kiến đóng góp trước khi ban hành văn bản liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tăng cường các hình thức đối thoại công tư, tiếp xúc giữa chính quyền và doanh nghiệp. Đào tạo nguồn nhân lực trong đó xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực tỉnh phù hợp với mục tiêu phát triên kinh tế - xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động của tỉnh, tăng cường chất lượng các cơ sở dạy nghề, tăng cường các dịch vụ giới thiệu việc làm, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân…

Ông Nguyễn Cường - Giám đốc VCCI Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, một khi tỉnh nào tổ chức mổ xẻ chi tiết các tiêu chí của PCI và thực hiện tốt nó thì khả năng tỉnh đó sẽ cải thiện được vị trí trong bảng xếp hạng và chất lượng phục vụ cho doanh nghiệp càng cao và thiết thực, hiệu quả.

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đánh giá cao nội dung Hội thảo và yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

 

 

Hạnh Nguyên