TỔNG QUAN VỀ LĨNH VỰC THỦY SẢN
Kinh tế thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Cơ cấu nông lâm ngư nghiệp chiếm khoảng 30% giá trị GDP của tỉnh, trong đó Thủy sản chiếm 10%.
1. Lĩnh vực khai thác thủy sản
1.1. Tiềm năng nguồn lợi thủy sản
Nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Bình Định khá đa dạng và phong phú với trên 500 loài cá, trong đó có 38 loài có giá trị kinh tế. Tỷ lệ cá nổi chiếm 65 % với trữ lượng khoảng 38.000 tấn, khả năng khai thác 21.000 tấn. Tỷ lệ cá đáy chiếm 35 % với trữ lượng khoảng 22.000 tấn, khả năng khai thác 11.000 tấn. Tôm biển có 20 loài với trữ lượng khoảng 1.000 – 1.500 tấn. Mực có trữ lượng khoảng 1.500 – 2.000 tấn.
Là tỉnh duyên hải miền Trung, Bình Định có vị trí địa lý thuận lợi là gần các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường cá nổi lớn, cá di cư xa có giá trị kinh tế và xuất khẩu như cá thu, cá ngừ, cá nhám, cá chuồn, các loài mực (mực ống, mực đại dương). Cá ngừ vằn (skipjack) có trữ lượng 618.000 tấn, khả năng khai thác 216.000 tấn. Cá ngừ đại dương (yellowfin tuna, bigeye tuna) có trữ lượng 52.500 tấn, khả năng khai thác 17.000 tấn.
1.2. Năng lực khai thác thủy sản
Bình Định hiện đang dẫn đầu về số lượng tàu khai thác xa bờ ở Biển Đông. Toàn tỉnh hiện có 7.339 tàu cá với tổng công suất 980.838 CV, trong đó tàu cá dưới 90 CV khai thác ven bờ, vùng lộng có 4.592 chiếc (chiếm 63%); tàu cá từ 90 CV trở lên khai thác xa bờ có 2.747 chiếc (chiếm 37%).
2. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản
2.1. Tiềm năng nuôi trồng thủy sản
Bên cạnh hệ thống đầm phá đa dạng như đầm Trà Ổ có diện tích 1.200 – 1.400 ha và các hồ chứa thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt, các loài cá nước lạnh như cá tầm… Bình Định còn có những đầm phá lớn như đầm Thị Nại 5.060 ha được mệnh danh là “vườn ươm các giống loài thủy sản quý hiếm”, đầm Đề Gi 1.600 ha, vùng cửa sông Tam Quan 300 ha thích hợp cho nuôi trồng thuỷ sản nước lợ như nuôi tôm, cua, cá, hàu…
Đặc biệt với chiều dài bờ biển trên 134 km, vùng lãnh hải 2.500 km2 với vùng đặc quyền kinh tế 40.000 km2 với nhiều giống loài thủy sản phong phú, có tiềm năng phát triển nghề nuôi biển như nuôi trồng rong biển, tôm hùm, cá biển (song, mú, chẽm), ngọc trai, hàu…
2.2. Năng lực nuôi trồng thủy sản
Nuôi trồng thủy sản nước ngọt: diện tích nuôi trồng khoảng 2.306,4 ha, chủ yếu nuôi theo các hình thức: nuôi cá quảng canh trong hồ chứa thủy lợi , nuôi cá lồng trên hồ chứa 13.380 m3. Sản lượng cá nước ngọt đạt khoảng 2.715 tấn. Với số lượng gần 160 hồ chứa thủy lợi, Bình Định có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ chứa.
Nuôi trồng thủy sản nước lợ: diện tích khoảng 2.283, trong đó đối tượng nuôi chính: tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Đã hình thành các vùng nuôi tôm thâm canh, công nghiệp; vùng nuôi tôm công nghệ cao.
Nuôi trồng thủy sản nước mặn (biển): Đã hình thành các vùng ương, nuôi tôm hùm. Nghề ương, nuôi nâng cấp tôm hùm và nuôi cá lồng trên biển phát triển, trong đó số lượng lồng ương tôm hùm giống tăng nhanh. Các đối tượng nuôi thủy sản biển: tôm hùm; các loài cá mú, hồng, bớp, ốc hương, hàu…Ngoài ra đã thu hút 1 doanh nghiệp triển khai dự án nuôi cấy ngọc trai trên biển.
Về sản xuất giống thủy sản: đã đầu tư nâng cấp Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Mỹ Châu (công suất 100 triệu cá bột, 10 triệu cá giống) là cơ sở sản xuất các giống thủy sản nước ngọt cung cấp cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (công suất 2 triệu cá giống các loại) đã được đầu tư nâng cấp để sản xuất các đối tượng mới như: cua, cá chẽm, ốc hương, hàu…Ngoài ra, tại tỉnh có 02 cơ sở sản xuất tôm giống (vốn đầu tư nước ngoài) sản xuất giông tôm thẻ chân trắng của Công ty cổ phần Việt - Úc công suất 3 tỷ con giống P15/năm và Công ty TNHH CP (Thái Lan) công suất 3,6 tỷ con giống P15/năm.
3.1. Chế biến thuỷ sản nội địa
Toàn tỉnh hiện có hơn 339 cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thủy sản nội địa.vừa và nhỏ. Các cơ sở sản xuất thủy sản truyền thống tập trung chủ yếu ở thành phố Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước.
3.2. Chế biến thủy sản xuất khẩu
Bình Định có 5 nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản công nghiệp của các doanh nghiệp: Công ty cổ phần thủy sản Bình Định, Công ty cổ phần đông lạnh Quy Nhơn (F16), Công ty TNHH thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn, Công ty cổ phần thủy sản Hoài Nhơn. Các nhà máy xuất khẩu này chủ yếu chế biến các mặt hàng tôm, cá đông lạnh với công suất sản xuất 11.500 tấn /năm.
4. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá
4.1. Cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản
- Chương trình 112 (giống thuỷ sản): Đã đầu tư xây dựng Trại thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Mỹ Châu, Trạm thực nghiệm nuôi thủy sản Cát Tiến, nâng cấp hồ chứa nước Hóc Hòm (Mỹ Châu, Phù Mỹ) đưa vào sử dụng, phát huy tốt hiệu quả đầu tư.
- Chương trình 224 (hạ tầng nuôi trồng thủy sản): Đã đầu tư xây dựng Hệ thống kênh mương phục vụ nuôi tôm Phước Sơn, Phước Thuận - Tuy Phước; Hệ thống kênh mương phục vụ nuôi trồng thủy sản Mỹ Đức, Mỹ An- Phù Mỹ để phục vụ sản xuất có hiệu quả.
4.2. Cơ sở hạ tầng khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá
a) Cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu cá
Dọc theo bờ biển Bình Định có 3 cửa biển lớn, tập trung nhiều tàu thuyền neo đậu và họat động khai thác thủy sản, đã hình thành 3 cảng cá là Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan Bắc. Ngoài ra ven biển Bình Định còn có 26 làng, xã nghề cá với các bến cá hình thành trên các bãi ngang, đảo nhỏ ven biển, ven đầm.
b) Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá
Cơ sở chuyên đóng sửa tàu thuyền đánh cá: Hiện nay Bình Định có 10 cơ sở chuyên đóng sửa tàu thuyền đánh cá, đa số có quy mô nhỏ, đóng tàu theo mẫu dân gian.
Các cơ sở cung ứng vật tư ngư lưới cụ, dầu, nước đá, thực phẩm, nước uống, cơ sở ngư lưới cụ v.v...... được bố trí tại khu vực gần các cảng cá và hầu hết thuộc các doanh nghiệp tư nhân.
Cơ sở thu mua cá ngừ: tại Bình Định có 19 cơ sở (Quy Nhơn có 9 cơ sở chuyên thu mua cá ngừ nhỏ, Hòai Nhơn có 10 cơ sở chuyên thu mua cá ngừ đại dương) làm đại lý thu mua cho các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu ngoài tỉnh.
TIỀM NĂNG MỘT SỐ NGUỒN LỢI THỦY SẢN VÀ TRIỂN VỌNG HỢP TÁC ĐẦU TƯ
1. Nguồn lợi cá ngừ
1.1. Trữ lượng và năng lực khai thác
Là tỉnh Duyên hải Miền Trung, Bình Định có vị trí địa lý thuận lợi là gần các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường cá nổi lớn, cá di cư xa có giá trị kinh tế và xuất khẩu, đặc biệt là Cá ngừ vằn (skipjack) có trữ lượng 618.000 tấn, khả năng khai thác 216.000 tấn. Cá ngừ đại dương (yellowfin tuna, bigeye tuna) có trữ lượng 52.500 tấn, khả năng khai thác 17.000 tấn.
Bình Định hiện đang dẫn đầu về số lượng tàu khai thác xa bờ (2.747 chiếc có công suất trên 90 CV) cũng như đội tàu khai thác cá ngừ ở Biển Đông với các nghề chính là câu vàng (long liner, 221 chiếc), vây ngày (purse seiner, 269 chiếc), rê khơi thu ngừ (gill net, 137 chiếc). Đây là các nghề tiên tiến, khai thác với quy mô hàng hóa, có thể phát triển lên quy mô công nghiệp.
1.2. Khả năng hợp tác đầu tư phát triển
Thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Định đang thực hiện mục tiêu (1) Hợp lý hoá việc tổ chức sản xuất nhằm phát triển nghề cá ngừ theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, (2) Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá và (3) Phát triển chế biến và thương mại thủy sản trực tiếp nhằm tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thủy sản của địa phương.
2. Nguồn lợi tôm hùm giống
2.1. Trữ lượng và khả năng khai thác
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ sinh thái rạn san hô trải dài ở khu vực ven biển, chịu ảnh hưởng mạnh của khu hệ thủy sinh ven biển nhiệt đới nên vùng biển Bình Định có trữ lượng cao về nguồn lợi tôm hùm giống, phong phú về thành phần loài với các loài tôm hùm có gía trị kinh tế như Tôm hùm bông (Panulirus ornatus), Tôm hùm lông (Panulirus stimpsoni), Tôm hùm đỏ (Panulirus longipes), Tôm hùm sỏi (Panulirus homarus).
Về khai thác tôm hùm giống: Toàn tỉnh có 1.369 tàu cá cở nhỏ chuyên khai thác tôm hùm giống với sản lượng hàng năm khoảng 455.460 con (năm 2008).
Về ương nuôi tôm hùm giống và nuôi thương phẩm tôm hùm: Nghề ương nuôi tôm hùm giống (Tôm hùm bông -Panulirus oratus) và Tôm hùm xanh -P. homarus) phát triển mạnh từ năm 2002 đến nay, tập trung chủ yếu tại Quy Nhơn. Sản lượng ương nuôi năm 2008 đạt 367.000 con, năm 2009 đạt 450.000 con.
Nghề khai thác và ương nuôi tôm hùm đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều hộ gia đình ngư dân, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế -xã hội của cộng đồng dân cư ven biển. Bình Định trở thành trung tâm cung cấp giống cho các vùng nuôi tôm hùm thương phẩm chính của cả nước như Phú Yên, Khánh Hoà…
2.2. Khả năng hợp tác đầu tư phát triển
a) Hợp tác đầu tư phát triển và khai thác bền vững nguồn lợi tôm hùm giống, kể cả xây dựng các vùng cư trú cho tôm hùm xung quanh các vùng rạn ngầm, rạn san hô khu vực tam giác Hòn Khô - Nhơn Hải , Hòn Đất – Ghềnh Ráng, Nhơn Châu thuộc thành phố Quy Nhơn, Rạn Cao – Hoài Nhơn có ý nghĩa thực tiễn to lớn: vừa tạo nơi sinh cư, tái tạo, phát triển nguồn lợi tôm hùm để phát tán khai thác lâu dài vừa bảo tồn được các hệ sinh thái rạn san hô quý giá của địa phương, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái biển.
b) Hợp tác đầu tư phát triển nghề nuôi ương nuôi nâng cấp tôm hùm giống quy mô công nghiệp để cung cấp tôm hùm giống cho các cơ sở nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh.
c) Hợp tác đầu tư phát triển nuôi tôm hùm thương phẩm quy mô công nghiệp: vùng biển ven bờ tỉnh Bình Định có lợi thế là chưa bị ô nhiễm do nghề nuôi như ở các địa phương khác. Do vậy việc nghiên cứu giới thiệu mô hình nuôi biển, trong đó có mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng biển Bình Định là hết sức cần thiết và có khả năng phát triển, mang lại lợi nhuận cao.
3. Nguồn lợi cá chình
3.1. Trữ lượng và khả năng khai thác
Cá Chình là loài đặc sản, có giá trị nhiều mặt về dinh dưỡng và dược liệu, phân bố ở vùng nhiệt đới và ôn đới của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tại Bình Định, cá Chình gắn liền với đầm Trà Ổ - một trong những đầm phá thể hiện những nét đặc trưng về một hệ sinh thái của vùng đất ngập nước ở khu vực miền Trung Việt Nam, là điểm tập kết quan trọng của cá Chình trước khi ra biển sinh sản và trở về sông suối, nơi sống chính của nó và đã được quy hoạch là khu bảo tồn vùng nước nội địa. Các loài cá Chình có giá trị kinh tế và khoa học như Cá chình mun (Anguilla bicolor pacifica, Schmidt, 1928– Sách đỏ Việt Nam), Cá chình bông (Anguilla marmorata , Quoy & Gaimard, 1824), Cá chình nhọn (Anguilla malgumora) là đặc sản của vùng đầm Trà Ổ từ xưa cho nay.
3.2. Khả năng hợp tác đầu tư phát triển
a) Hợp tác đầu tư phát triển và khai thác bền vững nguồn lợi cá chình giống và cá chình thương phẩm, kể cả hợp tác đầu tư xây dựng khu bảo tồn vùng nước nội địa đầm Trà Ổ để bảo tồn, khai thác sử dụng hợp lý nguồn lợi cá chình, đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
b) Hợp tác đầu tư phát triển nuôi cá chình thương phẩm: với điều kiện sinh thái, thủy văn thuận lợi, nguồn giống tại chỗ, việc hợp tác đầu tư phát triển nghề nuôi cá chình thương phẩm quy mô công nghiệp, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là khả thi, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư và cộng đồng người dân.
4. Nguồn lợi Yến sào
Yến sào tự nhiên khai thác từ các hang ven biển Quy Nhơn là một trong những sản vật quý giá, nổi tiếng của Bình Định.
Với chiều dài bờ biển trên 134 km với 32 đảo lớn nhỏ và nhiều hang động tự nhiên, Bình Định có tiềm năng về điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi yến với quy mô công nghiệp và đây cũng là một trong những hướng hợp tác đầu tư phát triển tại Bình Định.